Đi dọc tuyến 25B từ huyện Long Thành đến Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, người đi đường dễ dàng nhận thấy hàng chục cơ sở đang chứa và bán các thùng hoá chất, rác thải công nghiệp nguy hại trên suốt tuyến. Tất cả số rác thải công nghiệp được các chủ cơ sở thu mua phế liệu gom từ các nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn, sau đó mang về súc rửa và bán cho người dân mà không qua bất cứ một quy trình xử lý nào theo quy định của ngành Tài nguyên môi trường.
Lực lượng chức năng kiểm tra xe tải |
Bà Hứa Thị Thanh, một người dân sống tại xã Long An, huyện Nhơn Trạch cho biết, nhiều chủ kinh doanh ở các điểm bán phế liệu tại khu vực này mua cả xe ô tô tải để sau đó vào các doanh nghiệp gom và chở các thùng phuy bằng nhựa về đem bán lại cho người dân. Ở đây, họ bày bán công khai hai bên lề đường từ nhiều năm nay, nhưng chưa thấy cơ quan chức năng nào xử lý.
Phần lớn rác thải công nghiệp nguy hại mà các cơ sở thu mua phế liệu trên bày bán là những thùng đựng hoá chất có dung tích từ 20 lít đến 200 lít. Một chủ cơ sở kinh doanh phế liệu ở khu vực này cho biết, tất cả số thùng nhựa ở đây được thầu mua lại từ một đơn vị khác. Đơn vị này được các doanh nghiệp tại nhiều khu công nghiệp tại huyện Nhơn Trạch và Long Thành thuê hoặc bán lại, sau đó họ lại tiếp tục bán cho các cơ sở thu mua phế liệu. Quy trình xử lý những thùng hoá chất trên là mang về, sau đó súc rửa sơ bằng nước lã, rồi bán lại cho người dân mang về đựng nước.
Ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, những quy trình xử lý đối với chất thải nguy hại công nghiệp như trên là vi phạm quy định. Theo quy định hiện hành, tất cả số rác thải công nghiệp nguy hại đều phải được thu gom và xử lý theo quy trình rất nghiêm ngặt. Ở Đồng Nai hiện mới có 3 doanh nghiệp được cấp phép thu gom và xử lý đối với chất thải công nghiệp nguy hại. Việc các cơ sở thu mua phế liệu mang những thùng hóa chất công nghiệp súc rửa, hoặc không súc rửa và bán ra thị trường như vậy là vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Trước những thông tin do phóng viên cung cấp, ông Chánh cho biết sẽ đề nghị đơn vị quản lý môi trường ở địa phương kiểm tra xử lý.
Cũng theo ông Võ Văn Chánh, hiện nay, chi phí và các công đoạn xử lý chất thải công nghiệp nguy hại rất tốn kém. Do đó, các công ty, xí nghiệp trong các khu công nghiệp đã lén lút thuê hoặc bán lại cho những đơn vị không được cấp phép thu gom xử lý nhằm giảm bớt nguồn kinh phí thực hiện công đoạn này. Cũng chính vì thế, trong thời gian gần đây, lực lượng cảnh sát môi trường tỉnh Đồng Nai đã phát hiện và bắt giữ hàng chục trường hợp chở chất thải công nghiệp nguy hại từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các khu công nghiệp ở Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hoà lén lút đổ xuống các hầm khai thác đá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cũng cảnh báo việc người dân sử dụng các thùng đựng hóa chất công nghiệp trên. Nếu người dân sử dụng để đựng nước uống mà không tẩy rửa thùng đúng cách sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe./.