(ĐCSVN) - Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đã về thị sát tại khu tái định cư thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, qua tìm hiểu cho thấy điều kiện sinh sống của người dân nơi đây vẫn còn rất nhiều bất cập.
Tìm hiểu về xuất xứ của dự án này, được biết: Thực hiện Dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Gia Lâm, thị trấn Trâu Quỳ, ngày 26/12/2005, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 8430/QĐ-UB về việc thu hồi 318.135m2 đất tại xã Trâu Quỳ và xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành các thủ tục trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, ban quản lý dự án huyện Gia Lâm đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đặc biệt, trong công tác bố trí tái định cư vẫn còn nhiều bất cập, khiến các hộ dân chuyển về khu tái định cư phải sinh sống trong những điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn, mặc dù trước đó, các hộ dân đều nhận được cam kết chuyển ra khu tái định cư sẽ có điều kiện sinh sống bằng, hoặc tốt hơn nơi ở cũ theo Luật định.
Có mặt tại khu tái định cư, chúng tôi nhận thấy các hệ thống hạ tầng cơ sở như đường giao thông, hệ thống đường điện vẫn chưa được hoàn thiện, cạnh đó hệ thống cống rãnh nhiều đoạn vẫn chưa thực hiện xong. Đặc biệt, hệ thống nước sạch cho dân vẫn chưa hoàn chỉnh. Một số nhà dân vẫn còn phải dùng giếng khoan ngầm, với các bể lọc mà sản phẩm nước cuối cùng vẫn chưa thể được coi là nước sạch đủ tiêu chuẩn.
Nhiều hộ dân trong khu tái định cư vẫn phải sinh hoạt bằng nước giếng khoan.
Chúng tôi vào thăm hộ bà Nguyễn Thị Mận, một hộ dân trước đây cư trú tại đường Ngô Xuân Quảng, nay chuyển vào khu tái định cư. Trao đổi với chúng tôi, bà Mận cho biết: Gia đình bà trước đây ở vị trí giáp mặt đường, gần trung tâm huyện. Nhưng khi chuyển vào khu tái định cư, phải ở vị trí khá sâu, không thể coi là “bằng hoặc hơn” nơi ở cũ. Hơn nữa, khi mới chuyển vào khu tái định cư không có điện, cũng chẳng có nước sạch. Gia đình phải nói khó để mắc nhờ điện từ nhà văn hóa (với giá điện 2.500đ/kwh) và thuê thợ khoan giếng ngầm hết gần 20 triệu đồng mới có nước giếng khoan. Chiếc giếng khoan này sau đó phải chia sẻ nước dùng chung cho các nhà hàng xóm, vì đều chịu chung cảnh không có nước.
Theo quan sát của phóng viên, khu tái định cư thị trấn Trâu Quỳ hiện nay vẫn khá hoang vắng, nhiều nơi cỏ mọc um tùm. Một số hộ dân trong khu tái định cư cho biết: Khu tái định cư vẫn còn thiếu thốn rất nhiều điều kiện cần thiết, nhất là hệ thống đèn chiếu sáng về ban đêm. Vì vậy vẫn thường xảy ra nạn trộm cắp, mất an ninh trật tự; thậm chí còn xảy ra cả hiện tượng cướp giật. Cùng với đó, trên đoạn đường vào khu tái định cư còn có nhiền hố ga không đậy nắp, người dân đi lại rất dễ gây tai nạn, và thực tế đã có người sa hố ga bị gẫy chân. Thực trạng trên khiến người dân trong khu tái định cư luôn sống trong tình trạng lo lắng.
Qua tìm hiểu, được biết có những bất cập trên là do khi thực hiện dự án, Ban quản lý dự án và chủ đầu tư đã không thực hiện đúng quy định, như phải thực hiện xong khu tái định cư cho người dân trước, rồi mới thực hiện giải phóng mặt bằng, để nguời dân sau khi giao đất giao nhà có thể đến ở ngay trong khu tái định cư. Tuy nhiên, dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Gia Lâm lại gần như được thực hiện theo một “quy trình ngược”, giải phóng mặt bằng, đấu giá trước, thực hiện khu tái định cư sau, khiến người dân gặp nhiều khó khăn vất vả khi về ở trong khu tái định cư còn chưa được hoàn thành. Đây là một điều mà các cấp chính quyền nơi có dự án và các chủ dự án đấu giá đất phải rút kinh nghiệm.
Nhiều khu vực trong dự án vẫn bỏ hoang cho cỏ mọc.
Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi làm việc với chính quyền, ban quản lý dự án và các cơ quan chức năng của huyện Gia Lâm, gồm ông Nguyễn Đình Quang, Phó Chánh văn phòng UBND huyện và các ông Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, Phó Trưởng ban quản lý dự án, Chánh thanh tra xây dựng và Trưởng phòng tư pháp… của huyện. Ông Dương Văn Tuấn, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Gia Lâm đã đồng tình với ý kiến mà phóng viên nêu lên, đó là: Trong khu thực hiện dự án đấu giá quyền sử dụng đất, một số văn bản, quy định còn chưa đúng trình tự; công tác chuẩn bị đấu giá đất còn chưa chu đáo; thiếu sự phối kết hợp chặt chẽ của các khâu giải phóng mặt bằng và tái định cư, đã đẩy người dân vào thế bị động, thiếu thốn và khó khăn khi vào ở trong khu tái định cư, khiến người dân bức xúc, khiếu kiện. Đây là những vấn đề đòi hỏi phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục trong thời gian tới.
Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương của Thành phố Hà Nội thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất. Đây là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, nhằm xây dựng các khu dân cư mới văn minh hiện đại, theo quy hoạch chung của thành phố. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án, các cấp chính quyền và ban quản lý dự án cần nghiêm túc thực hiện đúng các chế độ, chính sách của Nhà nước về giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, bồi thường và tái định cư, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân./.