Căn nhà của anh Kiều Văn Chiểu bị phát mãi vì đã vay 25 triệu đồng |
Chỉ vì cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật, 15 hộ dân ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất (Hà Nội) đang đứng trước nguy cơ bị mất hết nhà cửa, vườn tược chỉ vì khoản vay vài chục triệu đồng. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, điều tra, làm rõ sự việc. Nếu có các biểu hiện của hành vi lừa đảo, cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Ông Phí Ðình Tính ở thôn Yên Lạc, xã Cần Kiệm cho biết, cuối năm 2007, do hoàn cảnh kinh tế của gia đình khó khăn, ông muốn có khoản tiền khoảng vài chục triệu đồng để mở một xưởng mộc nhỏ. Ðang không biết vay mượn ở đâu thì ông được mọi người mách tới hỏi Nguyễn Văn Hiệp, người cùng làng. Hiệp bảo, chỉ cần ông đưa "sổ đỏ" cho anh ta, hắn sẽ giúp ông vay tiền của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp điện máy Thành An (Công ty Thành An) địa chỉ tại số 6A, tổ 13 (thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội), có văn phòng tại 109 phố Chùa Láng (quận Ðống Ða, Hà Nội).
Ðang cần tiền, lại thấy Hiệp nói "bùi tai", nào là thủ tục vay đơn giản, lãi suất cho vay bằng với lãi suất ngân hàng, chỉ cần đưa sổ đỏ sẽ được lấy tiền luôn. Hơn nữa, lại nghĩ Hiệp là người quen biết, ông Tính tin tưởng đưa sổ đỏ của gia đình mình cho Hiệp, rồi ký vào một số giấy tờ mà Công ty Thành An đưa để được vay 20 triệu đồng, lãi suất 1%/tháng, thời hạn vay 48 tháng.
Ngay sau khi nhận tiền, ông Tính đã nộp luôn tiền lãi ba tháng cho công ty. Ðến ngày 7-12-2009, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội gửi công văn thông báo sẽ phát mại tài sản là mảnh đất diện tích 360 m2 mà ông đã thế chấp cho Công ty Thành An theo đơn yêu cầu thi hành án của Ngân hàng Công thương Việt Nam. Ngày 4-4-2012, Cục Thi hành án dân sự tiếp tục gửi thông báo, yêu cầu gia đình ông giữ nguyên hiện trạng tài sản và phải hợp tác với cơ quan thi hành án tiến hành xử lý tài sản. Ông Tính lúc này mới bàng hoàng trước khoản vay 20 triệu đồng mà gia đình ông đang đứng trước nguy cơ mất trắng nhà cửa.
Anh Chu Văn Lợi cùng ở thôn Yên Lạc cho biết thêm, anh trai anh là Chu Văn Thắng cũng đã đưa sổ đỏ của gia đình cho Hiệp để vay Công ty Thành An 50 triệu đồng trong 48 tháng. Sau khi nộp hai tháng tiền lãi từ khoản vay, không thấy nhân viên công ty đến thu tiền lãi nữa. Ðến khi UBND xã nhắc gia đình anh lên làm việc với Cục Thi hành án dân sự thành phố thì cả nhà anh mới ngã ngửa vì bất ngờ. Hóa ra, trong số các giấy tờ mà các gia đình ký với Công ty Thành An đã có cả giấy sang tên chuyển nhượng đất cho công ty này...
Cả xã Cần Kiệm hiện có 15 gia đình rơi vào hoàn cảnh này. Bà Kiều Thị Thể bức xúc kể lại: "Hiệp là cháu họ của nhà tôi, cho nên gia đình tôi tin tưởng, nhờ nó vay cho 20 triệu đồng. Khi đến phòng công chứng để ký giấy tờ thì Hiệp bảo: "Bác cứ yên tâm, giấy tờ cháu đã làm đầy đủ rồi, bác chỉ việc ký là lấy được tiền". Lúc đó đã gần 12 giờ trưa, phòng công chứng sắp nghỉ, cho nên tôi chủ quan, không đọc kỹ các văn bản. Hiệp chỉ đâu tôi ký đó. Ai ngờ nó lừa cả tôi".
"Chiêu thức" mà phía Công ty Thành An áp dụng là nhờ Hiệp làm "cò" tiếp cận các gia đình có nhu cầu vay vốn nhưng ngại thực hiện các thủ tục với ngân hàng, sau đó lợi dụng lòng tin và sự chủ quan của người dân, để họ ký vào các giấy tờ sang tên chuyển nhượng đất. Theo thống kê ban đầu, công ty đã cho 15 hộ vay với các khoản vay có giá trị từ 15 đến 80 triệu đồng/hộ với số tiền tổng cộng khoảng 500 triệu đồng. Sau khi có chữ ký của các hộ dân đồng ý bán nhà cho công ty, Công ty Thành An đã làm thủ tục sang tên sổ đỏ đứng tên công ty, rồi mang đi thế chấp vay gần năm tỷ đồng tại Ngân hàng Công thương Việt Nam. Sau khi thấy công ty có dấu hiệu trốn nợ, ngân hàng đến thu hồi vốn thì công ty này đã "không cánh mà bay". Vì vậy, ngân hàng đã khởi kiện ra tòa và phát mại tài sản của người dân.
Ðến lúc này, cả 15 hộ dân ở thôn Yên Lạc vẫn hết sức hoang mang, không biết cách xử lý sự việc nghiêm trọng này thế nào. Trong tay họ giờ chỉ còn lại tờ giấy cam kết sang tên, bản hợp đồng cho vay với vài tờ phiếu thu, chi trả lãi. Gia đình ông Tạ Văn Thông thậm chí còn không giữ được bản sao sổ đỏ của nhà mình. Bản thân Nguyễn Văn Hiệp, kẻ trung gian giới thiệu các hộ dân với Công ty Thành An, cũng đã thế chấp sổ đỏ của mình cho Công ty Thành An để vay 200 triệu đồng, giờ cũng lâm vào tình cảnh sắp bị mất nhà. Công ty Thành An thì đã trốn khỏi địa bàn với số tiền vay ngân hàng. Không chỉ bằng việc thế chấp sổ đỏ của 15 hộ dân xã Cần Kiệm, mà còn thế chấp sổ đỏ của bốn hộ dân khác ở quận Tây Hồ, huyện Từ Liêm và huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Sự việc xảy ra nghiêm trọng như vậy, nhưng phía chính quyền địa phương rất bối rối, chưa có giải pháp nào để tháo gỡ. Phó Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm Kiều Văn Tưởng cho biết: "Hiện tại, chính quyền xã mới chỉ thực hiện tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nhắc nhở người dân đề cao cảnh giác trước các chiêu trò cho vay vốn không bảo đảm. Ðược biết, các nguồn quỹ từ ngân sách nhà nước hỗ trợ người dân vốn sản xuất vẫn được xã Cần Kiệm triển khai tốt. Tuy nhiên, do số tiền có hạn, thủ tục vay đòi hỏi nhiều điều kiện, cho nên người dân không mấy mặn mà. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn để lao động sản xuất của người dân là khá lớn. Cộng với tính nhẹ dạ, cả tin, sự thiếu hiểu biết về pháp luật đã khiến các hộ dân bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
15 gia đình ở xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) là nạn nhân của vụ việc nêu trên đang ngày ngày miệt mài bên những tấm gỗ, mùn cưa làm khoán cho các xưởng gỗ lớn trong vùng, trong lòng canh cánh nỗi lo bị mất trắng nhà cửa, đất đai... Ðây là bài học đắt giá, cảnh tỉnh những người cả tin, dễ dãi và ít hiểu biết pháp luật cần cẩn trọng trước khi có những giao dịch ký kết văn bản, giấy tờ liên quan đến tài sản. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, điều tra, làm rõ. Nếu có các biểu hiện của hành vi lừa đảo, cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật./.