(ĐCSVN) - Do chưa quy hoạch được khu xử lý chất thải tập trung, nhiều năm qua, các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp (KCN) Tiền Hải luôn ở tình trạng "mạnh ai, nấy xả" khiến môi trường nơi đây (đặc biệt là môi trường nước) luôn trong tình trạng "kêu cứu" vì nhiễm độc! Cống xả thải nghi vấn trong nhà xưởng Công ty Minh Dương. Giữa "đồng không mông quạnh" nhưng C.ty thuốc trừ sâu Đông Thái Tại các con kênh nội đồng xã Đông Lâm và Đông Cơ huyện Tiền Hải,
Thị sát vùng ô nhiễm!
Phải thừa nhận, các KCN về đóng tại Tiền Hải đã tạo công ăn việc làm cho lao động tại chỗ, tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nhưng chỉ nhìn thấy cái được kinh tế mà người ta quên cái mất là vấn đề ô nhiễm môi trường thì tương lai các KCN sẽ không thể phát triển bền vững như một tất yếu.
Được biết, KCN Tiền Hải rộng 250ha, trên giấy tờ đăng ký hiện có gần 40 doanh nghiệp, song thực tế sản xuất chỉ khoảng 30 doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nước khoáng, gốm sứ, thủy tinh, giấy vàng mã, thuốc trừ sâu…
Đáng lưu ý ở đây, nước thải có biểu hiện chưa qua xử lý chủ yếu xả thẳng ra sông Long Hầu, sông Lân và sông Trà Lý, sau đó qua các cống số 4, số 8 đổ thẳng ra biển Cửa Lớn. Những luồng nước này rất có thể là nguyên nhân "giết" nguồn lợi thủy sản vùng ven biển một cách "thầm lặng" mà bấy lâu nay người ta không để ý đến.
Từ phản ánh của người dân cho biết, nguyên nhân ngao của họ chết và gây thiệt hại kinh tế nặng nề trong đợt tháng 8 vừa qua đã được Cục thú y đưa ra kết luận là "sốc môi trường". Tuy nhiên từ lâu họ đã nghi ngờ một số doanh nghiệp trên địa bàn xả thải độc hại không qua xử lý, đó mới là nguyên nhân chính.
Ảnh: Trần Chiến
Ông Nguyễn Văn Khỏe, 56 tuổi, nhà ở xóm 1, xã Đông Minh, một người thiệt hại 3ha ngao đợt tháng 8 vừa qua cho biết: “…Không lý gì, vì trước đây KCN Tiền Hải chưa về đóng trên địa bàn thì ngao chúng tôi phát triển rất khỏe mạnh, lớn nhanh, hiệu quả kinh tế cao và chưa từng bị chết nhiều như vậy. Và nếu người ta có "đổ tội" cho thời tiết thì tỷ lệ chết cũng chỉ rất nhỏ".
Ông Vũ Trung Tiến – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh, huyện Tiền Hải cho rằng, nói ngao chết do “sốc môi trường” là không thỏa đáng. Theo ông, nguyên nhân chính là do nhiễm môi trường từ nguồn nước. “Bản thân gia đình tôi cũng nuôi ngao, gắn bó với con ngao nhiều năm nên tôi biết trước đây bãi biển này rất sạch, rất ít khi xảy ra ngao chết hàng loạt…"
Để được "tận mục sở thị", chúng tôi đã có chuyến thị sát bằng thuyền dọc sông Long Hầu, thuộc xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải – điểm xả thải chủ yếu của KCN Tiền Hải. Nơi chúng tôi đi qua là một số nhà máy mà người dân "nghi vấn" là tác nhân chính làm môi trường trở nên độc hại, giết chết hàng loạt thủy sản của họ.
Khi qua khu vực Công ty Minh Dương, chuyên sản xuất giấy vàng mã, chúng tôi chứng kiến có một luồng nước vàng đục phân biệt rất rõ, bốc mùi nồng nặc khó chịu chảy ra từ đường cống của công ty này đổ thẳng sông Long Hầu, quanh đoạn này nhiều xác cá cùng vỏ ốc chết nổi lềnh bềnh.
Xuôi dòng khoảng 200m, là địa điểm được cho là nơi Công ty Công Kiều (chuyên sản xuất tái chế nhựa) xả nước thải ra. Theo quan sát của phóng viên, nước từ kênh mương đổ ra có màu đen sánh và bốc mùi hóa chất nồng nặc đến khó thở, thậm chí hít phải lâu cảm thấy hoa mắt.
Tiếp tục đi thực tế tại khu vực Công ty Đông Thái (chuyên sản xuất thuốc trừ sâu), nhưng không thể tiếp cận được vì công ty này đã xây tường bao kiên cố, và dường như mọi thứ được xử lý "bí mật" ở bên trong, những gì nhìn thấy bên ngoài chỉ là một đường nước thải có màu vàng đục pha váng xanh tựa như dầu máy. Một số người từng làm công nhân ở công ty này cho biết, nếu "là người bình thường" các anh sẽ khó mà vào đây được bởi công ty luôn được "canh phòng" cẩn mật, bảo vệ vòng trong vòng ngoài khá nghiêm ngặt.
Sau chuyến khảo sát thực tế chúng tôi nhận thấy, điểm chung là các công ty đều xả thải ra sông qua hệ thống kênh mương, cống, cống ngầm, thậm chí có nhà máy người ta không thể biết cống xả thải ở đâu…
Hầu hết các công ty mà người dân "nghi ngờ" đều nằm ở những vị trí “tiến thoái lưỡng nan”, chỉ có đường vào mà không có lối ra, khi phát hiện xả thải cơ quan chức năng khó mà bắt được quả tang để xử lý. Cá biệt có công ty thuốc sâu Đông Thái (hay còn gọi là NICOTEX Đông Thái) luôn cửa khóa then cài cẩn thận 24/24 giờ, đóng ở địa phận xã Đông Cơ.
Vào ‘vùng cấm’ tác nghiệp…
luôn cửa khóa then cài một cách khó hiểu. (Ảnh: Trần Chiến)
Để có những tư liệu thuyết phục cho bài viết, chúng tôi quyết định thâm nhập vào "đại bản doanh" các công ty trên. Trong vai người xin việc, tôi và anh bạn đồng nghiệp đã vào tận nơi sản xuất của Công ty Minh Dương, chuyên sản xuất giấy vàng mã. Sau khi phỏng vấn sơ bộ, kế toán tên Hồng bảo chúng tôi để lại số điện thoại, có gì sẽ liên hệ lại.
Biết Hồng không nghi ngờ, chúng tôi đề nghị được xuống tham quan xem công việc sẽ làm thế nào. Hồng đồng ý, nhưng vừa xuống đến khu xưởng sản xuất cô ta đã kéo vạt áo che mũi cẩn thận và bảo: "Em bị dị ứng mùi ở đây…"!
Tại đây, chúng tôi thấy khu nhà xưởng của công ty này rộng khoảng 1.500m2. Càng vào sâu, càng cảm nhận rõ một thứ mùi hóa chất không rõ chất gì khiến mặt mũi chúng tôi dị ứng mẩn đỏ, rồi sau đó chảy nước mắt cứ như bị trúng hơi cay vậy. Thời điểm chúng tôi có mặt, bột giấy đang được đưa vào hai cái bể to để tẩy rửa, nấu, trộn màu, rồi đưa lên giàn "seo", còn nước thải ra thì chảy xuống một hố ga vẫn mở nắp chờ sẵn phía sau xưởng.
Chúng tôi quan sát thấy hố ga tối om, mùi ô nhiễm lẫn hóa chất bốc lên nồng nặc. Thấy tôi đang ngơ ngác nhìn ngó, một người đàn ông tiến đến gặp và giới thiệu tên Hà - Giám đốc công ty này. Vừa vỗ vai anh bạn đi cùng, ông Hà nói: “Trông các chú khỏe mạnh đấy, nếu đứng máy được, anh trả chú 3 – 3,5 triệu đồng/tháng, công ty anh làm 24/24 giờ, chỉ sợ không có sức mà làm”. Tranh thủ lúc vị giám đốc mải chuyện với anh bạn đồng nghiệp, tôi đi vòng ra phía sau nhà xưởng thì bắt gặp 2 chiếc bể chứa lớn có đậy nắp. Nhìn qua tường, bên ngoài có một đường cống nối thẳng ra bờ sông, đúng như những gì quan sát trước đó khi chúng tôi chèo thuyền dọc bờ sông Long Hầu.
Quyết định "đối mặt" để có thông tin khách quan, ngày hôm sau chúng tôi quay trở lại và có buổi làm việc với Công ty Minh Dương. Ông Hà (vị này không khai họ), Giám đốc Công ty liên tục lập luận cho rằng công ty ông đã chấp hành nghiêm chỉnh việc xử lý chất thải… nhưng khi chúng tôi yêu cầu trực tiếp xuống tham quan khu xử lý nước thải thì ông này bảo "không cần", và chỉ vẽ sơ đồ minh họa trên giấy các hệ thống xử lý để các nhà báo tiện hiểu nguyên lý hoạt động luôn.
Khi chúng tôi đưa ra các bằng chứng chứng nước thải của Công ty Minh Dương thải trực tiếp ra sông Long Hầu thì ông giám đốc "đánh trống lảng", thậm chí nhờ một vị "quân sư" đi cùng lý sự "chày cối". Cuối cùng ông ta đổ tội: Việc cống xả thải ra sông các anh thấy không phải của công ty tôi mà của nhiều công ty khác xả thải nhờ qua đó…
Chúng tôi tiếp tục thâm nhập vào Công ty Công Kiều tại KCN Tiền Hải chuyên sản xuất tái chế nhựa, công ty này nằm ngay trên trục đường QL 39B. Có lẽ do có "mật báo" chúng tôi sẽ đến nên vợ chồng ông chủ ‘bỗng dưng’ đi vắng, công ty chỉ có mấy công nhân đang làm việc.
Quan sát chúng tôi thấy, từ đầu cổng đến cuối xưởng đâu đâu cũng thấy chai, lọ nhựa đã qua sử dụng chất thành đống cao như núi, bốc lên đủ thứ mùi ô uế. Tại khu tái chế, các rãnh nước thải chảy ra đen ngòm, bốc mùi rất khó chịu chảy thẳng ra hệ thống mương máng phía sau rồi dẫn ra các con sông. Một công nhân cho biết, để tẩy rửa nhựa tái chế phải dùng nhiều loại hóa chất khác nhau, nhưng anh ta cũng không biết là loại chất gì mà chỉ làm theo lệnh chủ công ty.
Cùng lý do xin việc khi chúng tôi thâm nhập Công ty Đông Thái - chuyên sản xuất thuốc trừ sâu và là 1 trong 3 “thủ phạm” được cho là xả thải làm nguồn nước nhiễm độc theo phản ánh của người dân. Có lẽ thấy người lạ, bảo vệ tỏ thái độ rất đề phòng, không cho chúng tôi vào và cho biết công ty không tuyển công nhân nữa. Và cửa công ty luôn được khóa kín "nội bất xuất, ngoại bất nhập"!
dòng nước thải của KCN Tiền Hải xả ra đến đâu cỏ cây chết tới đó.
( Ảnh: Trần Chiến) ,
Hôm sau, chúng tôi trở lại và lấy tư cách pháp nhân liên hệ làm việc, chưa nghe hết câu thì bảo vệ lấy đủ thứ lý do, nào là lãnh đạo bận họp, đi miền Nam. Hôm sau nữa chúng tôi lại quay lại đã nghe nói các lãnh đạo công ty đi hết… nước ngoài. Và chuyến thâm nhập, liên hệ làm việc của chúng tôi bất thành. Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa mới được biết, trước đây nguồn nước thải của công ty này rất ô nhiễm, cũng đã nhiều lần bị người dân xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải kéo lên phản đối, yêu cầu nhà máy dừng hoạt động, bồi thường thiệt hại.
Cơ quan chức năng nói gì ?
Ông Đỗ Văn Trịnh, Trưởng phòng Tài Nguyên – Môi trường huyện Tiền Hải xác nhận: Một số công ty đóng tại KCN Tiền Hải thuộc địa bàn do không tuân thủ các quy định trong việc xử lý chất thải, gây ảnh hưởng môi trường sinh thái đã bị cơ quan chức năng liên ngành phối hợp xử lý, trong đó Công ty Minh Dương, Công ty nhựa Công Kiều đã nhiều lần bị xử phạt.
Vẫn theo ông Trịnh, mặc dù những công ty nêu trên nằm trên địa bàn huyện, nhưng việc quản lý lại thuộc Ban quản lý khu KCN Tiền Hải. “Nếu người dân có đơn phản ánh, chúng tôi phải xin ý kiến của Chủ tịch UBND huyện, đặt lịch với công ty và khi họ đồng ý cho kiểm tra mới kiểm tra được. Nhiều lần chúng tôi xuống, nhưng họ (các công ty trên – PV) rất "cứng đầu", nhất quyết không cho vào chúng tôi cũng đành chịu”.
Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình cho biết: Những năm qua, thực trạng ô nhiễm môi trường ở KCN Tiền Hải có sự gia tăng, cơ quan chức năng cũng đã xử phạt một số doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, hoặc hoạt động sản xuất không đúng lĩnh vực đăng kí kinh doanh như: Công ty nhựa Công Kiều, Công ty giấy vàng mã Minh Dương ở xã Đông Lâm…Gần đây người dân lại phản ánh về 2 công ty này gây ô nhiễm, Sở đang có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện tình trạng tái phạm gây ô nhiễm sẽ xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ hoạt động vĩnh viễn…
Theo báo cáo tổng hợp đánh giá hiện trạng môi trường KCN Tiền Hải của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình: Nồng độ khí thải CO, SO2, NH3, bụi và độ ồn ở KCN Tiền Hải đều vượt tiêu chuẩn cho phép; nước thải tại một số điểm thải từ KCN có các thông số SS, COD, BOD5, coliform vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 – 10 lần. Cá biệt đã có mẫu phát hiện dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng.
Đến thời điểm này, KCN Tiền Hải vẫn chưa có khu xử lý nước thải tập trung, và nước thải của KCN vẫn tống thẳng ra sông Long Hầu rồi ra biển. Đó là vấn đề đang làm đau đầu cơ quan quản lý cũng nhưng chính quyền địa phương tỉnh Thái Bình. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần hành động ngay và có những biện pháp cần thiết can thiệp, xử lý tình trạng ô nhiễm trên trước khi các nguồn nước nơi đây thành "dòng nước chết"./.
Thái Bình: Ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp Tiền Hải
.