Lợi dụng sự quản lý thiếu chặt chẽ khi triển khai chính sách hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề, nhiều tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa, dù không mở lớp dạy nghề, hoặc dạy nghề chưa đủ thời gian quy định vẫn hợp thức hóa hồ sơ để "rút ruột" ngân sách. Hiện tượng này gây bức xúc trong dư luận, rất cần được các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa xử lý nghiêm.
Dù được hỗ trợ kinh phí học nghề, nhưng nhiều lao động chế biến
thủy sản ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) không được đào tạo bài bản.
Ảnh: Hồng Luận/nhandan.com.vn
Làm việc với các cơ quan chức năng huyện Ðông Sơn (Thanh Hóa), chúng tôi đặt câu hỏi "Vì sao cơ sở sản xuất đá trang sức Hồng Anh, ở xã Ðông Ninh, đã nhận số tiền hỗ trợ đào tạo nghề là 58 triệu đồng; HTX chế tác đá trang sức Ngọc Thiết ở xã Ðông Ninh nhận 94 triệu đồng và Công ty TNHH sản xuất đá trang sức Hoàng Thuận, ở xã Ðông Hoàng, nhận 78 triệu đồng, bị ngành chức năng của tỉnh phát hiện có sai phạm?". Phó Trưởng phòng Công thương huyện Ðông Sơn Dương Thu Hương cho biết: Việc dạy nghề của các đơn vị kể trên chủ yếu là do chủ doanh nghiệp tự truyền nghề theo kinh nghiệm, chứ không mở lớp đào tạo theo quy định là hai tháng và không duy trì ổn định việc làm cho người lao động trong sáu tháng. Hiện tại, một số đơn vị do gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, cho nên không duy trì được nghề đã chuyển sang kinh doanh cốp-pha như cơ sở sản xuất đá trang sức Hồng Anh. Một số đơn vị sau khi tự tổ chức dạy nghề, biết có chủ trương của tỉnh hỗ trợ khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề mới bổ sung hồ sơ tiệm cận chính sách. Theo hướng dẫn, hồ sơ xin kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề của các đơn vị phải có phương án tổ chức đào tạo nhân cấy nghề, danh sách ban chỉ đạo lớp học nghề, chương trình đào tạo nghề, hợp đồng đào tạo nghề với tổ chức, cá nhân đến cơ sở dạy nghề cho người lao động tham gia học nghề. Sau đó, họ xin chính quyền xã xác nhận và trình lên cấp có thẩm quyền đề nghị xem xét hỗ trợ.
Nghiên cứu hồ sơ của một số đơn vị, chúng tôi thấy, về hình thức các đơn vị đều làm đúng thủ tục, trình tự. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Ðối với HTX chế tác đá trang sức Ngọc Thiết và cơ sở sản xuất đá trang sức Hồng Anh, UBND xã Ðông Ninh (Ðông Sơn) đã có Báo cáo số 73/BC-UBND, ngày 9-7-2014, xác minh về thời gian đào tạo, số lao động được dạy nghề, khẳng định: Các cơ sở sản xuất đá trang sức Ngọc Thiết và Hồng Anh đều không tiến hành dạy nghề theo hợp đồng đã ký. Công ty TNHH sản xuất đá trang sức Hoàng Thuận, ở xã Ðông Hoàng (Ðông Sơn), lập danh sách tổ kỹ thuật hướng dẫn dạy nghề nhưng qua xác minh của chính quyền xã, thì những người này không tham gia đào tạo nghề theo hợp đồng do Công ty TNHH sản xuất đá trang sức Hoàng Thuận đã ký.
Tại huyện Tĩnh Gia, có 11 đơn vị không mở lớp đào tạo nghề theo quy định của tỉnh vẫn thụ hưởng số tiền khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề do tỉnh hỗ trợ như: Ở xã Hải Bình có THT Văn Hân đã nhận 54 triệu 800 nghìn đồng, THT Hào Hậu nhận 51 triệu 600 nghìn đồng, THT Chỉnh Tuyết nhận 56 triệu đồng, THT Dũng Hà nhận 54 triệu đồng...
Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ THT Dũng Hà làm nghề thu mua, chế biến hải sản ở xã Hải Bình, cho biết: THT của ông có hơn 60 lao động, tháng cao điểm chế biến được hơn 400 tấn hải sản. Khi được hỏi THT có nhận được tiền hỗ trợ và có tổ chức đào tạo nghề cho người lao động hay không, ông Dũng thừa nhận có một lần nhận tiền hỗ trợ đào tạo nghề của tỉnh; còn việc chế biến hải sản ở đây chỉ là truyền nghề theo kinh nghiệm. Ông Dũng nói: Lúc lập hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho người lao động, thì chính quyền xã, huyện đã xác nhận, ngành chức năng của tỉnh thẩm định xong, thế là được hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Minh, chủ THT Minh Hà, xã Hải Bình, cho biết thêm: THT của tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề của tỉnh. Việc lập hồ sơ do con trai tôi nhờ người quen làm các thủ tục, giấy tờ; còn việc dạy nghề thì chủ THT biết kỹ thuật gì sẽ hướng dẫn cho lao động làm theo.
Trong buổi làm việc với chính quyền xã Hải Bình, chúng tôi rà soát danh sách 11 THT, HTX mà ngành chức năng của tỉnh khẳng định sai phạm nhận tiền hỗ trợ, không tổ chức đào tạo nghề đóng chân trên địa bàn xã. Ðồng chí Bùi Văn Tuấn, cán bộ Văn phòng UBND xã Hải Bình khẳng định, có hai đơn vị không đóng trên địa bàn xã là THT Toàn Tuấn và THT Ngọc Thủy. Ðồng chí Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hải Bình cho biết: "Thời điểm triển khai chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề của tỉnh, UBND xã không được cụ thể hóa chủ trương này, chỉ thấy các THT, HTX trên địa bàn lập hồ sơ xin kinh phí hỗ trợ dạy nghề, chính quyền xã chỉ xác nhận các THT, HTX đang hoạt động, hoặc đang chế biến. Thi thoảng, chúng tôi thấy đoàn của tỉnh về kiểm tra, xã không được tham gia giám sát nên không biết các THT, HTX xin tiền ở đâu và có đào tạo nghề không?".
Huyện Tĩnh Gia hiện có 9.393 hộ nghèo và 9.912 hộ cận nghèo. Với số tiền hỗ trợ 400.000 đồng/lao động tham gia học nghề theo chủ trương khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề của tỉnh Thanh Hóa, nếu được triển khai chặt chẽ, thì nhiều lao động nghèo sẽ được trang bị kiến thức về nghề, có thêm cơ hội tìm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Chúng tôi tìm tới cơ sản xuất chân hương Minh Ngọc, ở xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa, đơn vị đã nhận 120 triệu đồng hỗ trợ đào tạo nghề. Chị Dương Thị Hà, là công nhân ở đây cho biết, việc sản xuất chân hương khá đơn giản, chủ doanh nghiệp hướng dẫn vài hôm là thạo việc, chứ không qua lớp đào tạo nào cả.
Chủ tịch UBND phường Ðông Vệ (TP Thanh Hóa) Nguyễn Việt Hùng cho biết: Trong tháng 9/2014, lãnh đạo phường đã yêu cầu Ðội thuế của phường và 19 tổ dân phố, thôn, xác minh doanh nghiệp tư nhân Lộc Phương đã nhận số tiền hỗ trợ đào tạo nghề là 206 triệu đồng, doanh nghiệp tư nhân Hoàng Hà Hiền nhận 114 triệu đồng. Tuy nhiên hiện tại, hai đơn vị này không có trên địa bàn phường.
Theo Báo cáo số 62/CAT-PA81 của Công an tỉnh Thanh Hóa về sai phạm trong thực hiện chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn tỉnh, từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng cho 220 đơn vị là các THT, HTX, doanh nghiệp thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề theo Quyết định số 2409/QÐ-UBND, ngày 5/9/2006, và Quyết định số 2541/QÐ-UBND, ngày 19/8/2008 của tỉnh. Công an tỉnh phát hiện việc thực hiện chính sách nêu trên có nhiều sai phạm, cho nên đã tiến hành xác minh và xác định được 38 đơn vị có sai phạm với tổng số tiền ba tỷ 589 triệu đồng; trong đó, có 26 đơn vị đã nhận số tiền là 1,721 tỷ đồng, nhưng không mở lớp đào tạo nghề cho người lao động; 12 đơn vị nhận 1,868 tỷ đồng có mở lớp học nghề, song không bảo đảm thời gian tối thiểu dạy nghề. Về nội dung hồ sơ đề nghị xin kinh phí hỗ trợ có nhiều đơn vị kê khai lao động tham gia học nghề nhiều hơn thực tế; hoặc lập danh sách "khống" số lao động học nghề để trục lợi...
Như vậy, có nhiều THT, HTX, doanh nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề, nhưng không mở lớp đào tạo nghề. Việc thẩm tra hồ sơ xin kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề của ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa có biểu hiện lỏng lẻo và thiếu sự phối hợp với chính quyền cơ sở để kiểm tra, giám sát các đơn vị đào tạo nghề, tạo "kẽ hở" cho nhiều đơn vị lợi dụng "rút ruột" nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề của tỉnh. Ðề nghị tỉnh Thanh Hóa sớm có biện pháp chấn chỉnh tình trạng nêu trên, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm để người lao động được thụ hưởng chính sách về đào tạo nghề./.