(ĐCSVN) - Hiện nay, trên địa bàn thành phố Phủ Lý (Hà Nam), có khoảng 40 điểm trung chuyển rác có nhiệm vụ tập kết rác tạm thời trước khi đưa đi xử lý; trong đó, có một số điểm nằm trong trung tâm nội thị, cư dân đông đúc, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, sinh hoạt của người dân.
Khu vực ô nhiễm rác làm mất mĩ quan đô thị nhất là điểm đầu đường Lê Công Thanh (phường Minh Khai). Hiện người dân khu vực này một ngày “lĩnh trọn” 24 tiếng sống chung với rác, bởi điểm trên bố trí quá sát nhà dân, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Từ nhiều năm nay, mỗi lần bị rác “hành”, người dân chỉ biết…kêu trời. Thậm chí, những điểm trung chuyển rác như trên đang là những ổ chứa đầy mầm mống dịch bệnh, từng ngày đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân thành phố.
“Ngày nào cũng 7 đến 10 lần “...rác đến rác đi. Mỗi lần như vậy, mùi hôi hám bốc lên đến mức không chịu nổi. Còn trong những ngày mưa, mùi hôi thối lại càng khủng khiếp. Thành phố này có bao nhiêu chỗ trống vùng ven, sao họ không chọn lại chọn ngay trục đường giữa trung tâm để tụ tập rác…”. Đó là tâm sự đầy bức xúc của chị Bùi Thị Hà, 36 tuổi, ở tổ 8, Phường Hai Bà Trưng, thành phố (TP) Phủ Lý - cách điểm trung chuyển rác cuối đường Lê Công Thanh vài mét…
Ông Mai Sĩ Khang, 44 tuổi, ở số 187 đường Lê Công Thanh, có điểm trung chuyển rác ngay cửa nhà bức xúc: “Khổ lắm các anh ạ. Ngày nào cũng 9, 10 lần rác đổ lên đổ xuống ngay trước cửa. Vì thế, mùi hôi thối xộc thẳng vào nhà không tài nào chịu nổi. Chúng tôi đã nhiều lần “kêu cứu” lên cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở song vẫn không được giải quyết. Cả tổ dân phố chúng tôi đều đang rất bất bình về việc này…”.
Ban đêm, xe rác tập kết và bốc rác ngay trước mặt nhà dân
tại điểm tập kết rác đường Lê Công Thanh
Đứng ngay bên điểm trung chuyển rác, ông Trương Đình Hải, nhà ở Tổ 13, phường Minh Khai nói với chúng tôi: “Đó, các anh thấy cái mùi này có kinh khủng không? Cái mùi này đã hành hạ chúng tôi suốt 7 năm nay rồi. Nhà tôi có cháu nhỏ đã bị viêm mũi nặng, quấy khóc suốt ngày đêm. Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần việc này lên cơ quan chức năng song vẫn không thấy ai can thiệp…”.
Những người dân còn cho biết thêm, đường Lê Công Thanh là một trong hai con đường chính của nội thị Phủ Lý, có mật độ dân cư đông đúc, buôn bán sầm uất, xe cộ qua lại tấp nập. Vì vậy, mùi thối của rác không chỉ “hành” người dân tại chỗ mà “hành” luôn cả những người qua lại. Bà con rất mong muốn Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam nên bố trí lại các điểm trung chuyển rác sao cho hợp lí hơn, không nên để giữa trung tâm thành phố như hiện nay.
Để có thêm góc nhìn khách quan, chúng tôi đã quan sát cảnh hoạt động của các xe rác vào buổi tối tại điểm đầu Lê Công Thanh thuộc tổ 13, Phường Minh Khai. Qua quan sát cho thấy, từ khoảng 18 giờ đến 23 giờ đêm, đã có đến 3 lần tập kết rác, mỗi lần khi xe ba gác chở rác tề tựu đông đủ (gần 20 chiếc), đậu tràn lan vỉa hè xuống cả lòng đường thì chiếc xe chuyên dụng xuất hiện, nằm chềnh ềnh phía trái đường án ngay cửa một nhà dân. Mùi hôi thối bắt đầu lan tỏa khắp nơi làm chúng tôi muốn nghẹt thở, buồn nôn…. Nước rác đen kịt chảy tràn xuống mặt đường, mùi hôi thối phát tán khắp nơi. Quá trình này kéo dài đến vài tiếng đồng hồ. Sau khi xe chở rác đi khỏi, cả đoạn đường rác thải vung vãi tung tóe. Vì không có vòi nước để phun rửa đường nên người ta chỉ quét qua loa, còn nước bẩn hôi thối cứ thế lan ra, ngấm xuống, sau đó "bốc hơi" lên cả đêm hành hạ người dân. Thậm chí, xe nén rác đi đến đâu nước thối rò rỉ ra ở đó. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, việc lấy địa điểm này làm nơi trung chuyển rác thải đã gây không ít bức xúc cho nhiều người.
Về điểm tập kết rác ảnh hưởng đến khu dân cư, chúng tôi đã đem tâm nguyện của 172 bà con phường Minh Khai lên trao đổi với phía chính quyền, thì được ông Phó chủ tịch phường Minh Khai cho biết: “… Chúng tôi chưa nhận được thông tin phản ánh từ ai cả, ngay cả ông tổ trưởng dân phố khi ra phường họp thường xuyên cũng không thấy nói năng hay đề đạt gì…”. Còn ông Nguyễn Văn Nhương – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam cho biết: “Toàn thành phố chúng tôi có khoảng 40 điểm trung chuyển rác như vậy. Ở điểm Lê Công Thanh - Biên Hòa và một số điểm khác trong thành phố, chúng tôi cũng đã nhận được nhiều phản ánh bức xúc từ các hộ dân. Hiện Công ty cũng đã có phương án giải quyết việc này, song khâu thực hiện, bố trí lại vẫn còn nhiều nan giải….”. Khi hỏi về tiêu chí lập điểm trung chuyển rác trong thành phố, ông Nhương cho hay: “Tiêu chí là phải cách xa nhà dân, đảm bảo giao thông thông thoáng…”.
Hiện tại hàng ngày, người dân nội thị Phủ Lý, đặc biệt các hộ dân sống trên trục đường Lê Công Thanh vẫn đang phải sống chung với sự ô nhiễm nặng nề của rác. Và sắp tới, bà con đang sắp phải đón một cái Tết trong mùi hôi hám, xú uế của rác. Trước thực trạng bức xúc trên, đề nghị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam sớm có phương án di dời điểm trung chuyển rác trên đến một địa điểm hợp lý, xa khu dân cư, không nên để ở trung tâm thành phố như hiện nay.