(ĐCSVN) - Từ nguồn tin báo của nhân dân, lúc 18 giờ 30 ngày 12/11, phóng viên đã tiếp cận và phát hiện trong lò mổ gia súc phường 8, TP Tuy Hòa, do Trạm Thú y TP. Tuy Hòa (Phú Yên) quản lý đang có 7 con heo bị bệnh với các dấu hiệu tím tai, thở gấp, nằm bất động, có con sắp chết… Nếu không bị phát hiện, thì số heo này sẽ được mổ và đưa ra thị trường tiêu thụ.
Heo bệnh vào lò mổ
Khoảng 18 giờ 30 ngày 12/11, phóng viên tiếp cận khu vực nhốt heo trước khi giết mổ thì phát hiện trong khu vực này có 7 con heo, trọng lượng mỗi con khoảng 50-70kg đang nằm bệt dưới sàn không thể đứng lên nổi. Số heo này đều có chung các triệu chứng tím tai, thở gấp… Bà Huỳnh Thị Thủy, một chủ lò mổ heo ở TP Tuy Hòa đang có mặt tại lò mổ gia súc phường 8 cho biết: Mặc dù số heo này chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng có thể biết ngay là đang bệnh nặng, có cả những con tím toàn thân và sắp chết nhưng khi đưa vào lò mổ, cán bộ thú y ở đây không có phản ứng gì mà vẫn cho nhập vào lò để mổ thịt.
Ông Đinh Văn Hòa, một chủ lò mổ heo khác cũng trao đổi: Đây không phải là lần đầu heo bệnh được nhập vào lò mổ. Tình trạng này đã diễn ra khoảng một tháng nay nhưng các cán bộ thú y ở đây đều làm ngơ và heo bệnh vẫn được giết mổ như heo bình thường. Sau khi giết mổ, cán bộ thú y cũng lăn dấu kiểm soát và cho tiêu thụ trên thị trường. Gần đây nhất là tối ngày 11/11, cán bộ thú y cũng cho đưa vào lò 10 con heo bị bệnh tương tự (giống số heo bệnh ở lò lúc này) sau đó, được giết mổ và đóng dấu kiểm dịch đưa ra thị trường…
Heo bệnh nằm la liệt (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Phương Nam)
Trong lúc heo bệnh được nhập vào lò mổ gia súc phường 8, các chủ lò mổ heo khác tại TP Tuy Hòa phản ứng gay gắt thì chủ số heo trên không có mặt. Ông Đặng Văn Nhiêu, cán bộ thú y kiểm soát giết mổ tại lò mổ phường 8 TP Tuy Hòa cho biết: Chủ số heo này là ông Nguyễn Văn Thành, một chủ lò mổ heo tại đây và theo lời của ông Thành, thì số heo này được ông mua về từ xã Hòa Định Tây (Phú Hòa) nhưng không có giấy kiểm dịch của Trạm thú y địa phương.
Trong khi đó, ông Trần Văn Quang, Trưởng Trạm Thú y TP Tuy Hòa cho biết: Tình trạng nhập heo bệnh vào lò mổ gia súc phường 8 thuộc Trạm Thú y quản lý chỉ vừa mới được Ban quản lý lò mổ thông báo. Qua kiểm tra, số heo này đều có biểu hiện ủ rũ, sốt, thân xuất huyết, trong đó có một con tai bị tím bầm, khả năng số heo này bị bệnh truyền nhiễm. Để đảm bảo an toàn thực phẩm và tránh bệnh tật lây lan, toàn bộ số heo này sẽ không được giết mổ và phải xử lý theo quy định.
Được biết, theo quy định của ngành thú y, đối với gia súc ở ngoài tỉnh khi nhập về lò để giết mổ phải có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y tỉnh đó; còn heo trong tỉnh khi nhập về lò mổ thì phải trình được giấy kiểm dịch của Trạm Thú y địa phương (khi số lượng heo nhiều hơn 5 con). Đồng thời, khi heo đưa về sẽ được nuôi nhốt cách ly để theo dõi. Nếu không có dấu hiệu của bệnh sẽ cho giết mổ có sự giám sát của thú y; còn heo bị bệnh sẽ được xử lý theo quy định.
Khoán trắng cho nhân viên hợp đồng
Hiện nay, công tác kiểm soát giết mổ gia súc tại lò giết mổ gia súc phường 8 TP Tuy Hòa đang được khoán trắng cho 3 nhân viên thú y làm việc theo hợp đồng với Trạm Thú y TP Tuy Hòa. Ông Đặng Văn Nhiêu, một nhân viên thú y kiểm soát giết mổ tại lò mổ phường 8 TP Tuy Hòa cho biết: Hiện ông đang làm việc theo hợp đồng với Trạm Thú y với mức lương hưởng theo phần trăm trên tổng nguồn thu kiểm soát giết mổ của lò. Theo hợp đồng, mỗi nhân viên ở đây sẽ được hưởng 33% trên tổng nguồn thu kiểm soát giết mổ tại lò. Chính vậy nên lượng heo được giết mổ tại lò càng nhiều thì thu nhập của những nhân viên thú y này sẽ tăng theo…
Ngoài ra, theo hợp đồng, thời gian làm việc trong ngày của các nhân viên thú y kiểm soát này bắt đầu từ 4 giờ đến 5 giờ chiều bao gồm: Kiểm tra thủ tục, giấy tờ và kiểm tra tình trạng sức khỏe của gia súc nhập vào lò; sau đó, từ 1 giờ đến 6 giờ sáng sẽ có mặt để kiểm soát việc giết mổ, đóng dấu kiểm dịch sản phẩm sau khi giết mổ. Vì vậy, nếu gia súc nhập về lò trong khoảng thời gian từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm thì không được thú y kiểm tra, giám sát mà sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào… ý thức của tiểu thương.
Ông Trần Văn Quang, Trưởng Trạm Thú y TP Tuy Hòa cho biết: Hiện nay, tất cả các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn đều do nhân viên thú y hợp đồng với Trạm Thú y TP Tuy Hòa để kiểm soát giết mổ. Nguyên nhân là bởi lực lượng thú y của trạm không đủ. Trong thời gian tới, Trạm sẽ tăng cường cán bộ thú y của đơn vị phối hợp với Ban quản lý lò mổ để kiểm soát chặt việc giết mổ gia súc tại lò.
Chính vì công tác kiểm soát chưa chặt chẽ, cán bộ thú y hợp đồng thiếu ý thức trách nhiệm, nên để xảy ra tình trạng nhiều lò mổ tham lợi, nhập và giết mổ heo bệnh, đưa sản phẩm thịt không đảm bảo chất lượng ra thị trường./.